Về chuyện tiền, động lực, sung túc
Ở một con phố nọ bên Tây, có một đám thanh niên quậy phá, chúng rất thích đạp đổ thùng rác của mọi người trong khu phố. Rác đổ ra khắp nơi rất hôi hám và bẩn thỉu khiến mọi người trong khu phố bất bình. Họ dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn lũ thanh niên bao gồm cả việc la hét, mắng mỏ chúng. Tuy nhiên, lũ thanh niên lại lấy sự bất bình của mọi người làm niềm vui. Mọi người càng tức tối, la hét, chúng càng sung sướng và thỏa mãn.
Sự việc cứ thế diễn ra, cho đến một ngày nọ, một ông lão về hưu chuyển đến khu phố sinh sống. Thấy cảnh chướng mắt diễn ra, ông không những không lấy làm bực bội mà thậm chí còn khen ngợi chúng, chúng thích ông lão lắm. Mỗi khi chúng gây chuyện, ông lão còn thưởng tiền cho chúng, $5 cho một lần gây ồn ào. Chúng vô cùng khoái chí. Sau vài tháng, cứ mỗi lần gây chuyện ầm ỹ, chúng đều đến chỗ ông lão khoe chiến công và lấy tiền.
Một hôm nọ, ông lão chê trách chúng, ông bảo dạo này chúng mày làm ăn ít trách nhiệm, ông quyết định rằng nếu chỉ đạp thùng rác bình thường thì chỉ $3 thôi, còn muốn được $5 phải gây ra tiếng động lớn, phải cãi cọ ầm ỹ. Lũ thanh niên bất ngờ, nhưng cũng đành chấp nhận. Từ đó, số tiền chúng thu được giảm hẳn và phải rất nỗ lực mới có được $5. Chúng nhiều lần bất bình với cách thưởng của ông lão nhưng không thể nói lại được. Ông lão thì được thể, liên tục chê trách, thúc giục chúng phải làm cho tốt hơn, đòi hỏi khắt khe hơn và bắt chúng phải làm việc nhiều hơn mới được thưởng.
Đến một ngày nọ, ông lão thông báo rằng mức thưởng từ nay chỉ còn $1 cho một lần bình thường và $3 cho một lần ầm ĩ, thì lũ thanh niên vô cùng tức giận. Chúng bảo rằng chúng tôi đã làm công cho ông quá vất vả, mỗi ngày đều phải rình rập thức khuya dậy sớm để thu được mấy đồng xu lẻ của ông, ông không coi trọng công sức của chúng tôi, chúng tôi bỏ việc, chúng tôi không làm cái việc vớ vẩn này nữa!!!. Thế là, lũ trẻ đó bỏ qua chỗ khác, không phá phách khu phố đó nữa.
Câu chuyện hấp dẫn này sau đó được tôi test lại ở quy mô nhỏ (1 đến 2 người) và thấy hiệu quả rõ ràng trong việc muốn người khác tụt “mood” và từ bỏ. Nguyên tắc thực hiện rất đơn giản:
1. Chỉ dùng tiền mặt để thưởng khi mọi người đạt được một kết quả gì đó.
2. Mắng mỏ thật nhiều khi mọi người không làm tốt.
3. Chỉ rõ rằng mọi người phải làm đến một chỉ tiêu nào đó mới được nhận tiền.
4. Khiến cho mục tiêu trở nên phức tạp mà không thông báo trước.
Tiền bạc đại diện cho một giá trị nào đó
Tiền bạc, có một mãnh lực rất đặc biệt và khó hiểu. Xét về nguồn gốc, đồng tiền là công cụ phục vụ cho trao đổi. Tiền đại diện cho một giá trị nào đó, cái mà người ta cần là mớ rau, con cá chứ không phải là tiền. Trước khi sử dụng tiền, người ta trao đổi trực tiếp các giá trị với nhau cho nên về cơ bản là chúng ta có “cảm xúc” với người mà ta giao dịch. Anh câu cá đưa anh thợ săn con cá và lấy về miếng thịt để đổi lấy một bữa ăn lạ miệng.
Trao đổi trực tiếp các giá trị bằng hiện vật
Nhưng khi tiền xuất hiện, anh bán cá và anh bán thịt không hề gặp nhau, nên về cơ bản người trao đổi mất đi “cảm xúc” chân thành với đối tác mà tập trung vào giá trị của các tờ tiền. Tôi thu được càng nhiều tờ tiền càng tốt chứ tôi không quan tâm đến ai là người thực sự sẽ sử dụng sản phẩm của tôi nữa. Vật trung gian là tiền làm người ta mất đi cảm xúc chân thành và cảm giác đạo đức bản năng. Quả thực là, nếu tôi code cho anh mười dòng, anh đưa tôi một cân gạo cho bữa tối, người ta gọi đó là sự cảm ơn, nhưng nếu anh đưa tôi 100K, người ta gọi đó là sự trả công.
Vì thế, các giao dịch bằng tiền về cơ bản gây ra các vấn đề sau:
1. Suy giảm sự chân thành và đạo đức của các bên tham gia.
2. Người nhận tiền rất nhanh hết cảm giác thỏa mãn luôn muốn lấy nhiều hơn.
3. Người đưa tiền luôn có cảm giác mất mát rất lớn, muốn đưa ít hơn.
Thực ra, trong một số trường hợp, người ta muốn giảm các mãnh lực của đồng tiền.
Chuyện là trong các sòng bài, để tăng doanh thu, người ta tìm cách cho người chơi ra các quyết định liều lĩnh và thiếu toan tính hơn. Mỗi người chơi khi vào sòng bài thì đều buộc phải đổi tiền thành một thiết bị gọi là “xèng”. Mỗi xèng đại diện cho một giá tiền nhất định, nhưng lúc đó người chơi không cầm tiền bên mình nữa mà trong tay họ là những miếng nhựa gần như vô giá trị khi mang ra khỏi sòng bài. Người chơi vì thế không còn cảm giác mất mát khi thua cuộc. Học cũng thường có quyết tâm chơi cho đến khi hết “xèng” (hoặc kiệt sức) mới thôi.
Thẻ tín dụng cũng là một ví dụ về “Thiết bị đại diện”. Qua nghiên cứu, người tiêu dùng có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn khi sử dụng thẻ tín dụng. Các nền kinh tế tiêu dùng, họ cũng rất hạn chế sử dụng tiền mặt mà thường tăng cường sử dụng thẻ tín dụng, người dùng khi chi tiêu có cảm giác mất một con số vô tri chứ không phải mất tiền.
Thẻ tín dụng là một thiết bị đại diện cho tiền
Về nguyên tắc, để giảm tác dụng của tiền đối với tâm lí con người chúng ta có thể:
1. Dùng một “thiết bị đại diện” cho tiền thực sự (tiền điện tử có thể ứng dụng trong hoàn cảnh này).
2. Tách rời hoạt động chi/nhận tiền mặt với các hoạt động thực tế.
3. Thời điểm nhận tiền rất ngẫu nhiên và không thể (hoặc rất khó) đoán được về thời gian và số tiền được nhận (hoặc trả)
Thực ra tiền thì không có gì xấu, nếu tôi cứ nói rằng động đến tiền là xấu thì quả là sai lầm lớn. Vấn đề ở chỗ chúng ta là con người, bên trong mỗi chúng ta có phần tốt và phần xấu, và trong nhiều trường hợp, tiền góp công lớn vào việc khiến phần xấu của còn người bộc lộ. Tiền là nhu cầu thiết yếu để đạt được sự sung túc trong cuộc sống hiện đại, tôi cũng không cổ súy cho việc trở lại thời đồ đá.
Một cá nhân hạnh phúc chắc chắn phải có cuộc sống sung túc và thường thì nó được quy đổi bằng tiền. Tuy nhiên, nếu ta tập trung vào việc kiếm nhiều tiền thì lại là sai lầm lớn, vì thực ra, chúng ta muốn có một cuộc sống sung túc cơ mà. Làm thế nào để giải quyết cả hai điều một lúc, thực sự là không dễ dàng nhưng mà chắc là có cách.
Tác giả: Hoàng Phan Bảo Trung
Nguồn: Deha’s Blog