CEO – Người bảo hộ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Sau cùng, CEO là người duy nhất có thể định hình và định hướng cho quá trình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp. Sau đây là hướng dẫn chi tiết!

Sự thật là, đối với các doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số nếu không có cam kết tập trung và tích cực của CEO thì gần như không có cơ hội thành công. Đó là do chuyển đổi số là sự tái tạo mô hình kinh doanh đòi hỏi các chức năng khác nhau trong tổ chức phải làm việc cùng nhau theo những cách mới và chỉ có thể thực hiện thông qua sự đầu tư quy mô lớn vào việc xây dựng một bộ năng lực hoàn toàn mới. Người duy nhất có thể đảm bảo cho sự thay đổi bền vững đó chính là CEO.

Nghiên cứu về chuyển đổi số với hơn 100 công ty lớn đương đại trong mười năm qua của chúng tôi đã chỉ ra rằng, có một bản hướng dẫn chi tiết giúp định hướng cho các CEO tập trung nguồn lực để đạt được thành công.

CEO là người quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số

Hình dung lại giá trị và xác định rõ ràng cách thức đạt được điều đó

Mục tiêu của chuyển đổi số không phải là số hóa; mà là để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Các CEO thành công có khả năng xem xét công việc kinh doanh hiện tại để hình dung lại điểm có thể có giá trị chuyển đổi. Họ dành nhiều thời gian đến thăm các doanh nghiệp và cập nhật các xu hướng cũng như các mô hình kinh doanh mới nổi. Điều đó giúp họ nhìn thấy những thứ khả thi và xem xét tài sản của mình bằng con mắt mới mẻ.

Họ cũng tập trung nỗ lực chuyển đổi vào các miền – một quy trình cốt lõi hoàn chỉnh hoặc hành trình của người dùng, chẳng hạn như mở tài khoản. Có tới 80% các hoạt động thành công trong nỗ lực chuyển đổi dựa trên việc tái tập trung vào một miền. Miền là các thực thể khép kín kiểm soát mọi bước trong việc hoàn thành chức năng của chúng, từ đầu đến cuối. Điều này giúp ngăn ngừa một cạm bẫy phổ biến, trong đó chuyển đổi số biến thành tập hợp các hoạt động rời rạc, không tạo nên sự thay đổi đáng kể. 

Song song với đội ngũ cấp cao của công ty, CEO thành công làm việc thông qua tất cả các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi ở cấp miền – nhân sự, công nghệ và dữ liệu, vận hành – để tạo ra một lộ trình hành động chi tiết.

Biến công ty của bạn trở thành điểm đến thu hút các nhân tài hàng đầu

Các CEO thành công giúp tổ chức giải quyết vai trò của văn hóa doanh nghiệp cũng như mục tiêu thu hút và giữ chân các nhân tài đặc biệt. Mặc dù tiền rất quan trọng, nhưng những người có kỹ năng số hàng đầu cũng muốn trau dồi năng lực về công nghệ tiên tiến và giải quyết các vấn đề mà họ cho là có ý nghĩa. 

Thu hút nhân tài là ưu tiên hàng đầu của CEO

CEO có thể thúc đẩy những thay đổi trong văn hóa và quy trình của công ty để thu hút họ, làm việc với Giám đốc Nhân sự để xây dựng lộ trình nghề nghiệp linh hoạt, nơi họ có thể phát triển kỹ năng và tiến bộ một cách bài bản và – có lẽ là quan trọng nhất – phát triển, truyền tải mục tiêu cao hơn của công ty.

Trở thành một doanh nghiệp công nghệ và dữ liệu

Các CEO kỹ thuật số nhận ra rằng dữ liệu và công nghệ là những yếu tố cạnh tranh khác biệt cốt lõi và họ điều hành công việc kinh doanh theo cách đó.

CEO thành công ưu tiên công nghệ và dữ liệu

Các CEO thành công nhất thường ưu tiên công nghệ và dữ liệu theo hai cách. Đầu tiên, họ bị ám ảnh về cách thức áp dụng công nghệ và dữ liệu để giải quyết các vấn đề kinh doanh hoặc tìm kiếm cơ hội mới. Về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng đối với các CEO là giám sát việc phân bổ chi tiêu công nghệ cho các nỗ lực kỹ thuật số như một chỉ số hàng đầu về tác động của công nghệ đối với quá trình chuyển đổi. 

Thứ hai, họ thực hiện các thay đổi về tổ chức để đảm bảo công nghệ và dữ liệu được áp dụng vào doanh nghiệp. Các CEO không nên cho phép một cơ cấu, trong đó “bộ phận kinh doanh” áp đặt các yêu cầu dành cho bộ phận CNTT. Thay vào đó, họ nên đi theo định hướng của các công ty kỹ thuật số thành công và phát triển một mô hình hoạt động, trong đó bộ phận Công nghệ và Kinh doanh hợp tác phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số.

Xây dựng hướng tới tốc độ

Tốc độ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và CEO có thể thiết lập tiến độ theo nhiều cách, chẳng hạn như thông qua phân bổ thường xuyên hơn (ví dụ: nhân sự và kinh phí) và đánh giá tiến độ so với lộ trình. Trên thực tế, các công ty có hiệu suất tốt nhất xem xét dữ liệu, chia sẻ những phát hiện và phân bổ lại nhân sự thường xuyên hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Nhưng nhiệm vụ thách thức nhất của CEO là thúc đẩy văn hóa coi trọng những người thực thi và các nhóm nhỏ gồm những người hàng đầu. Một nhóm nhỏ gồm những người đặc biệt làm việc theo phương pháp Agile (linh hoạt) mang lại nhiều tác động đáng kể hơn so với một đội quân có tài năng trung bình. Các CEO thành công trong việc phát triển mô hình làm việc này khi họ đơn giản hóa việc cấp vốn, minh bạch quyền quản trị và ra quyết định, đồng thời đưa ra các mục tiêu rõ ràng nhưng cho phép các nhóm tự quyết định cách thức triển khai tốt nhất.

Thúc đẩy việc áp dụng trong toàn doanh nghiệp

Việc tạo ra “sự kết dính” kỹ thuật số trên quy mô lớn là một thách thức vì những tác động trực tiếp, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh và tổ chức lại để nắm bắt tất cả giá trị sẵn có, điều mà chỉ CEO mới có thể làm được. 

Thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong toàn doanh nghiệp

Ví dụ: Khi công ty tạo ra một giải pháp thương mại điện tử mới, thì công ty đó cần phải đào tạo đội ngũ đại diện bán hàng, thay đổi các chính sách tặng thưởng và khuyến mãi dành cho bán hàng trực tuyến và trực tiếp, đồng thời thiết kế lại chuỗi cung ứng. 

Vì lý do này, điều quan trọng đối với CEO là đảm bảo rằng các chủ doanh nghiệp, không chỉ các nhà lãnh đạo công nghệ và kỹ thuật số, phải chịu trách nhiệm về việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số và cung cấp giá trị mục tiêu. Một nguyên tắc chung là với mỗi đô la chi cho kỹ thuật số, thì nên có thêm một đô la khác dành cho việc áp dụng.

Để thực hiện những hoạt động này, các CEO thành công phải có một cái nhìn rõ ràng về những chỉ số cần theo dõi cũng như quy trình theo dõi và báo cáo tiến độ. CEO của một tổ chức tài chính lớn nhấn mạnh rằng, tất cả tiến trình của các chương trình kỹ thuật số phải được theo dõi trong một công cụ để ông có thể theo dõi tiến độ hằng ngày và can thiệp ngay lập tức khi có bất thường.

Một sai lầm phổ biến của các CEO là chỉ giải quyết tốt các vấn đề về áp dụng và mở rộng quy mô sau khi quá trình chuyển đổi số bắt đầu. Ngược lại, các CEO thành công là những người say mê về áp dụng giống như đối với chiến lược. Họ đầu tư thời gian trước để đảm bảo rằng những người thực sự sử dụng các giải pháp – từ khách hàng đến nhân viên ở tuyến đầu – có tiếng nói rõ ràng trong quá trình phát triển.

Chuyển đổi số không phải là đích đến; đó là trạng thái vận hành lâu dài dựa trên sự học hỏi và thích ứng nhanh hơn đối thủ. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các CEO đóng vai trò như những người bảo hộ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tác giả: Eric Lamarre, Kate Smaje, Rodney Zemmel

Nguồn: McKinsey

Related Posts
Nâng tầm lãnh đạo để thu hút nhân tài trong thời đại VUCA

Chủ đề “Lãnh đạo và thu hút nhân tài” chưa bao giờ giảm sức hút, thậm chí càng được quan Read more

Trở thành nhà quản lí chuyên nghiệp cùng Neomanager

Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng ứng viên đều đặt sự chuyên nghiệp lên hàng đầu. Read more

Thắp lửa nhân viên

Chọn tiêu đề giật tít, Hội thảo trực tuyến “Nhân viên nghèo động lực, sếp hay buồn bực” diễn ra Read more

7 Thách thức các quản lí mới thường phải đối mặt và cách vượt qua chúng (Phần I)

Đây là một báo cáo đáng chú ý - theo nghiên cứu của công ty tư vấn nhân sự DDI, Read more