Thái độ – Dưới góc nhìn quản trị
Bài viết này tôi viết cho các quản lí của DEHA. Thái độ vô cùng quan trọng nhưng rất ít khi được tìm hiểu thấu đáo. Nhiều trường hợp hiểu sai, thậm chí sa vào chọn nhân viên ngon, ngoan, rồi quay ra trách nhân viên vô tâm, bảo đâu làm đấy…
Trước tiên, là nhà quản trị, chúng ta cần xem xét thái độ dưới góc nhìn hành vi, thái độ của một người là tổng hòa tất cả hành vi mà nhân sự đã thực hiện. Bạn là người có thái độ tốt, tức đã có những hành vi tốt chứ không phải vì những gì bạn sẽ thực hiện.
Quản lý nên xem xét thái độ của nhân viên thông qua tình huống thực tế
Quản lý thường mắc lỗi định kiến trong đánh giá thái độ của nhân viên, thiếu các xem xét hành vi. Một bạn không đi làm muộn có thái độ tốt hơn một bạn khác có bố là công chức, mẹ là giáo viên và là con ngoan trong gia đình. Người Nhật có phương pháp đánh giá thái độ nhân viên bằng các tình huống thực tế: Họ để ứng viên đi vào một khu vực có nhiều rác và quan sát xem ứng viên có tự nhặt rác vào thùng rác bên cạnh không.
Lưu ý rằng, hành vi ở đây là hành vi kinh doanh chứ không phải hành vi ở những phạm vi khác cuộc sống. Việc bạn chào hỏi người khác lịch sự không nên được xem xét là thái độ kinh doanh. Tương tự, có nhiều thái độ khác như thái độ học tập, thái độ với người lớn tuổi… Tất cả đều không nên được xem xét trong kinh doanh.
Thái độ cần được xem xét ở 3 khía cạnh: Tính tuân thủ, tính cộng tác và tính tham gia.
Tính tuân thủ là việc chấp hành các quy định chung của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp yêu cầu không đi làm muộn, người có thái độ tốt sẽ tự giác chấp hành thực hiện việc này. Một ví dụ khác là khi nhóm thống nhất về việc tiết kiệm giấy in, cần sử dụng lại các giấy in một mặt, người có thái độ tốt là người sẽ chấp hành việc này, một cách tự giác.
Tính cộng tác nói đến khả năng thực hiện theo các quy định chung dù không đồng ý (hoàn toàn hoặc một phần) quy định đó. Ví dụ, nhóm quyết định dùng TDD trong phát triển dự án, một số người không đồng ý, nhưng sau khi thống nhất, họ sẽ thực hiện theo quy định đó (dù chỉ làm tối thiểu).
Cuối cùng là tính tham gia. Đặc tính này nói đến khả năng tham gia vào các công việc của tổ chức. “Tham gia” là khái niệm rất khác với “có mặt”. Nhiều người có mặt nhưng thực tế không tham gia.
Nhân viên có thái độ tốt hoàn thành công việc hiệu quả
Lấy ví dụ: Nhân sự là BrSe chỉ làm xong bổn phận của mình và luôn đẩy các trách nhiệm cũng như quyết định cho các bên còn lại. Khi khách hàng có liên lạc, BrSe đó chỉ dịch và báo lại với nhóm. Khi tình hình tiến độ có vấn đề, BrSe báo với DM và SM. Khi vấn đề thực sự xảy ra, BrSe đó thực sự vô can, câu nói cửa miệng của bạn ấy là: Đấy, tôi đã nói rồi mà.
Trong trường hợp này, bạn BrSe kể trên không phải là người tham gia. Bạn ấy không nỗ lực để giải quyết tốt nhất công việc với khả năng của mình mà chỉ luôn “dây máu ăn phần” và đẩy trách nhiệm quyết định cho người khác. Một BrSe tham gia sẽ tìm mọi cách để tự xử lí các message từ khách hàng mà hạn chế pass cho bên khác. Thông tin mà nhóm nhận được là thông tin đã được phân tích, tổng hợp đầy đủ. Tương tự, khi thấy vấn đề về tiến độ, BrSe tham gia sẽ tìm cách điều chỉnh, thay đổi để nhóm vượt qua khó khăn. Khi vấn đề xảy ra, BrSe tham gia sẽ là người nói câu: Chúng/tôi xin lỗi.
Nhà quản lý phải biết rằng, không ai có đầy đủ cả 3 khía cạnh. Có người thái độ tuân thủ thấp, nhưng tính tham gia rất cao, trái lại nhân viên ngoan có tính tuân thủ, cộng tác rất tốt, nhưng tính tham gia vô cùng kém (tôi hay gọi là “xác sống” công sở).
Thái độ cần tách biệt rõ với kỹ năng, khả năng, kiến thức. Người ta có thể có thái độ rất tốt nhưng có kỹ năng kém và ngược lại. Khi đào tạo, huấn luyện cần hướng dẫn riêng lẻ, có đích đến rõ ràng.
Thái độ là một biến số thay đổi, không bất biến, dù thời gian thay đổi khá dài. Vậy nên cần định kì bồi dưỡng, huấn luyện.
Ngoài 3 đặc tính trên, người ta có thể xét thêm một đặc tính nữa là tính cam kết.
Tôi đã gặp vài trường hợp trớ trêu khi không xem xét hết các khía cạnh khi phỏng vấn. Có trường hợp có tính tham gia rất cao, nhưng tính tuân thủ thấp. Khi đi làm, bạn ấy suốt ngày đi muộn về sớm, nghỉ đột xuất, ăn mặc rách rưới, đầu óc trên mây dẫn đến rất khó giao công việc.
Có trường hợp khác thực sự là “xác sống” công sở. Rất tuân thủ, rất cộng tác, nhưng không tham gia. Cuối cùng, bạn này cũng tụt hậu và không thể giao phó cho việc quan trọng.
“Xác sống” công sở là biểu hiện của thái độ tồi
Cuối cùng xin trích một câu nói rất nổi tiếng về vấn đề này để nhắc nhở nhà quản lý/tuyển dụng rằng: “Đừng tiếc rẻ những kẻ có thái độ tồi”.
“Niềm tin sẽ làm nên suy nghĩ của bạn,
Suy nghĩ đó sẽ làm nên lời nói của bạn,
Lời nói đó sẽ làm nên hành động của bạn,
Hành động đó sẽ làm nên thói quen của bạn,
Thói quen đó sẽ làm nên giá trị của bạn,
Giá trị đó sẽ làm nên số phận của bạn.”
– Mahatma Gandhi –
Tác giả: Hoàng Phan Bảo Trung
Nguồn: Deha’s Blog