Làm người tử tế: Làm sếp, suy nghĩ cho tử tế
Làm sếp tử tế thì nhiều vấn đề lắm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với sếp đôi khi không quan trọng lắm hành vi mà quan trọng nhất là thái độ. Sếp nghĩ gì thì mới quan trọng, còn sếp làm gì, đôi khi lại không quan trọng lắm. Có người sếp rất “vô tâm” không quan tâm gì đến “công ty” cả. Thực ra đằng sau sự vô tâm đó là ý đồ, hắn muốn kéo mình ra khỏi các hoạt động trong công ty để mọi người khác có cơ hội thể hiện. Công ty cần phải là công ty của mọi người, mỗi người đều chung tay vào chứ không phải là công ty của các sếp.
Người làm sếp quan trọng nhất là thái độ
Do có sự phức tạp trong hành vi và thái độ của người làm sếp, bài này tôi sẽ chỉ viết về những điều cải thiện thái độ của sếp. Viết về hành vi thì nhiều vô khối, nhưng viết về thái độ thì tôi nghĩ có lẽ chỉ cần làm thật tử tế ba điều quan trọng nhất.
Điều đầu tiên mà sếp cần hiểu, kính thưa các sếp, là tổ chức này do ai mà ra. Tôi kịch liệt phản đối ý tưởng các tổ chức do khách hàng mà ra, hoặc do nhà đầu tư mà ra. Ý tưởng đó là suy nghĩ vị lợi, vì đồng tiền, vì cái lợi.
Thực tế chứng minh rằng, công ty là một tập hợp các “con người – nhân viên” cùng nhau cộng tác và chịu trách nhiệm để đạt được một tầm nhìn chung. Khách hàng không có, nhân viên sẽ kiếm. Lỗi nhiều, nhân viên sẽ sửa. Dự án thất bại, nhân viên mất việc. Tiền không có, nhân viên không được trả lương. Công ty có mệnh hệ gì, nhân viên luôn là người đầu tiên phải chịu hậu quả, không phải các sếp mà cũng không phải khách hàng.
Ở chiều ngược lại, khi công ty ăn nên làm ra, chất lượng sản phẩm tốt, khách hàng là người đầu tiên hưởng lợi, các sếp là người được nhận tiền, còn nhân viên… còn lâu mới tới lượt. Công ty hưởng lợi từ việc nhận được giá trị thặng dư do nhân viên tạo ra.
Làm sếp hãy vì nhân viên mà hành động
Trên đây là sự thật trắng trợn mà các sếp luôn giấu kín, bị nhiều tấm màn hoa mĩ che phủ. Các sếp luôn ca thán về sự khổ, về việc tự tử của các ông đấy. Khách hàng luôn la hét om sòm về mức độ quan trọng của họ. Nhưng, thứ nhất, khách hàng là người đầu tiên rời bỏ công ty nếu công ty có vấn đề, thứ hai, sếp là người cuối cùng bị mất việc nếu trách nhiệm không hoàn thành, nhân viên có muốn cũng không tự tử được.
Nhân viên chính là người “trên thuyền”, chứ không phải là ai khác. Và các sếp cần biết rằng, nhân viên chính là người “cùng thuyền” với mình. Cho dù nhân viên không phải ai cũng thật tốt đẹp, nhưng họ chính là những người sát cánh cùng các sếp. Vậy, các sếp cần quý mến và tôn trọng họ. Tôn trọng ý tôi nói ở đây là tôn trọng cả cái chưa tốt của nhân viên. Đó là một phần không thể thiếu của “con người”. Hãy quan tâm đến xu hướng, chấp nhận (chứ không phải bỏ qua) những vấn đề tiểu tiết.
Bất kì ai cũng có thể thành thiên tài, thiên thần, hay cái gì đó đại loại vậy. Nhưng bất kì thiên thần nào cũng có thể là qủy dữ. Nếu dồn họ vào những hoàn cảnh khác nhau.
Làm sếp hãy vì nhân viên mà hành động, đó là ưu tiên số một. Ưu tiên quan trọng nhất của cuộc đời làm sếp. Sếp tử tế, phải tử tế với nhân viên của mình trước đã.
Điều thứ hai, là các sếp cần học thuộc lòng câu hỏi: Lợi ích kinh doanh của hoạt động này là gì? Đây là “la bàn” cho mọi quyết định của các sếp, trong tất cả mọi việc. Chừng nào chưa rõ về lợi ích kinh doanh, chưa hình dung ra, chưa nhìn thấy được, chưa đong đếm được thì… không cần làm gì cả.
Lợi ích kinh doanh là “la bàn” cho mọi quyết định của sếp
Một câu hỏi: “Thế tôi cứ ngồi không à?”. Trả lời: “Tất nhiên, đôi khi ngồi không còn mang lại nhiều lợi ích hơn là làm với sự ngu dốt”. Mục tiêu của chúng ta là tạo nên hạnh phúc và chuyển giao chúng, chúng ta sẽ có “lợi ích kinh doanh” khi thực hiện việc đó.
Tôi thấy rất nhiều sếp cứ loay hoay làm vô khối việc, việc gì cũng làm, vì lẽ “làm sếp phải bận chứ”. Thế là ngu dốt, với lại chỉ khi nào công ty xập xệ thì các sếp mới bận. Hầu hết việc các kiểu sếp đó làm, chỉ vì mục đích thoả mãn cái tôi, cái hình ảnh “nguy hiểm” – không có tao công ty này sẽ chết, chứ không vì mục tiêu kinh doanh.
Một số sếp lại loay hoay, “không biết có nên làm việc này không nhỉ?”. Tôi thấy thế là các sếp xao nhãng mục tiêu kinh doanh của công ty. Không lấy hoạt động kinh doanh là la bàn cho tư duy của mình.
Một công ty chỉ tốt khi và chỉ khi tất cả mọi người đều tập trung vào việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh, loại bỏ những điều có hại cho việc kinh doanh. Làm sếp tử tế phải là nhà kinh doanh tử tế.
Điều cuối cùng, làm sếp là phải viết. Đọc câu này, chắc có người tự hỏi: “Lạ nhỉ! Viết lách thì liên quan gì đến thái độ?”. Tôi muốn nói đến thái độ với việc viết.
Làm sếp là phải viết lách
Viết lách là hoạt động tự soi xét lại bản thân. Ta có thể dùng gương để soi xét dung nhan, ta có thể dùng viết để soi xét bản thân mình. Soi xét bản thân dù rất quan trọng, nhưng chỉ là một hệ quả của việc viết. Tôi muốn nhấn mạnh với các sếp rằng, viết cần là một mục đích, chứ không phải chỉ là phương tiện.
Viết lách chính là một cách để chúng ta “chuyển giao giá trị” đến nhân viên. Viết lách còn là một cách để chúng ta “đào tạo và chỉ dẫn” cho nhân viên. Viết lách sẽ lưu giữ giá trị của chúng ta. Viết lách biến những điều xa xôi thành một “tờ giấy”. Khi mà công ty tri thức đang trở thành xu thế tất yếu, thì viết lách chính là một phương pháp biến tri thức hành “hiện”.
Năng lực viết, là năng lực phản ánh rõ ràng nhất để phân biệt giữa một người sếp tài năng và tụi làm ăn phọt phẹt. Viết mà còn không ra hồn, thì làm sếp được ai?
Nói chung thì, nếu những điều này được làm tử tế, tôi thấy sếp chả còn gì phải bận tâm. Một người sếp nghĩ vì nhân viên, làm việc vì lợi ích kinh doanh, tích luỹ đầy tri thức thì có thể tối kê cao gối mà ngủ. Nhân viên sẽ vui, công ty sẽ thành công, mà công việc sẽ ngày càng hanh thông thuận lợi. Nói thì dễ vậy, nhưng mà làm được vậy tử tế khó lắm lắm thay. Đi từ tư duy, đến hành động vẫn còn là một khoảng cách dài nữa. Nhưng dù sao thì mọi con đường đều bắt đầu với một bước chân thôi các sếp ạ.
Tôi viết bài này với tư cách là một sếp có hơn 5 năm kinh nghiệm làm nhân viên.
Tác giả: Hoàng Phan Bảo Trung
Nguồn: Deha’s Blog