7 điều không thể bỏ qua đối với một tân quản lí marketing
Bạn là quản lí marketing mới?
Đối với người mới bắt đầu, hãy để ý rằng hầu hết những sản phẩm tiếp thị bạn tạo ra đều có mục đích tiếp cận đến khách hàng. Chung quy lại, tính chất công việc của một marketer (nhà tiếp thị) là như vậy.
Bạn phải gánh nhiều công việc. Nhiều thành viên của ban lãnh đạo cấp trên có thể nghĩ rằng sự thành công của công ty phụ thuộc vào việc bạn tiếp thị sản phẩm ra thị trường như thế nào.
Đừng để nó làm ảnh hưởng đến bạn. Thay vào đó, hãy để nó truyền cảm hứng và tạo động lực cho bạn làm việc hiệu quả.
Dưới đây là danh sách các yếu tố giúp bạn kiểm tra xem liệu mình có phải là một marketing chuyên nghiệp hay không.
-
Tiếp thị Bản thân
Bạn nhất định phải đạt được mức độ thành công nhất định trong việc PR bản thân, nếu không bạn sẽ khó đáp ứng được công việc của mình. Đây là thời điểm bạn không ngừng quảng bá thương hiệu cá nhân của chính mình.
Tại sao? Vì trước hết bạn là người đại diện bán hàng cho công ty.
Nếu bạn không được coi là một người biết cách thuyết phục bạn bè và tạo ảnh hưởng đến mọi người thì bạn không được nhìn nhận là người thành công trong việc tiếp thị.
Đó là lý do tại sao bạn nên có phong cách ăn mặc phù hợp, học phong cách làm việc chuyên nghiệp trong các hội nghị, nổi bật trong các cuộc họp và đừng bao giờ đi ăn một mình.
Nếu bạn luôn giữ cho mình tư duy về tiếp thị, bạn sẽ thấy rằng bạn có thể làm tốt hơn nhiều công việc của mình.
-
Hiểu về công ty của bạn
Một cách khác để tiếp thị thành công là bạn phải hiểu công ty của mình, hiểu cặn kẽ từ trong ra ngoài.
Trước hết, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ sứ mệnh của công ty mình. Thật ngạc nhiên khi nhiều người làm việc cho một công ty và thậm chí không hiểu nhiệm vụ của họ là làm gì.
Một số đó đang làm quản lí.
Đừng như vậy. Hiểu được sứ mệnh của công ty bạn và đảm bảo xác định tất cả các sáng kiến của bạn đang làm đều nhằm để hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu đó.
Thêm vào đó, hãy nhìn vào lịch sử của công ty. Chiến lược marketing nào trước đây thành công? Quan trọng hơn, cái nào chưa thành công?
Tận dụng những thành công trước đó. Học hỏi từ những sai lầm của người khác.
Tiếp theo: tìm hiểu về quá trình bán hàng của công ty. Mất bao lâu để thực hiện cuộc tiếp thị cho một khách hàng? Nó có giá trị bao nhiêu? Khách hàng tiềm năng thường đến từ đâu?
Bên cạnh đó, hãy xem các kênh tiếp thị hiện có mà công ty đang sử dụng. Chiến lược trực tuyến và ngoại tuyến của nó là gì? Có điều gì kém hiệu quả cần được giải quyết không? Công ty còn thiếu sót ở đâu trong việc đưa ra thông điệp tiếp thị của mình?
Ngoài ra, hãy xem xét các công cụ mà bạn có sẵn. Bạn có thể sử dụng những công cụ đó như thế nào để giúp công ty đạt được thành công lớn hơn? Những công cụ nào là cần thiết để thực hiện công việc của mình?
-
Hiểu khách hàng của bạn
Việc hiểu khách hàng của bạn quan trọng hơn nhiều so với việc hiểu công ty của bạn. Nếu không hiểu những người trong thị trường mục tiêu của mình, bạn gần như sẽ thất bại.
Hãy xem cơ sở khách hàng hiện tại. Lấy tất cả dữ liệu bạn có thể về những khách hàng đã từng sử dụng.
Các khách hàng có chung sở thích hoặc nhân khẩu học không? Có những điểm chung nào?
Khi bạn đã có dữ liệu đó, bạn nên vẽ một chân dung khách hàng làm đại diện. Đó là hình mẫu thực tế về những khách hàng tiềm năng (những đối tượng có khả năng mua hàng). Chúng thực sự vô giá trong phân khúc thị trường của bạn.
Mẹo: nếu bạn thực sự muốn hiểu khách hàng của mình, hãy áp dụng các cuộc gọi hỗ trợ trong một thời gian ngắn. Hãy chuyển sang đường dây hỗ trợ và để người gọi cho bạn biết điểm mạnh và điểm yếu của công ty bạn.
Có thể bạn sẽ học được nhiều bằng cách tương tác với khách hàng hơn là với tất cả các nghiên cứu thị trường trên thế giới.
Hãy nhớ rằng bạn cũng có thể sử dụng thông tin bạn thu thập được từ trải nghiệm hỗ trợ khách hàng của chính mình để hoàn chỉnh chân dung khách hàng.
-
Hiểu đối thủ cạnh tranh
Sẽ thật tuyệt nếu công ty của bạn độc quyền về sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp. Và cũng chẳng sao cả nếu bạn không thuộc trường hợp đó.
Bạn sẽ phải tìm cách ứng phó với các đối thủ cạnh tranh. Một trong những điều thông minh nhất mà bạn có thể làm với tư cách là quản lí tiếp thị là tìm hiểu rất kỹ về những đối thủ cạnh tranh đó.
Tại sao? Bởi vì, như Tôn Tử đã nói: “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng.”
Bắt đầu bằng cách tìm hiểu các chiến lược tiếp thị của đối thủ cạnh tranh của bạn. Nó có thể dễ dàng tìm thấy bởi các chiến dịch quảng cáo của đối thủ cạnh tranh thường được hiển thị công khai.
Một số chiến dịch của bên này có thành công hơn những chiến dịch của các đối thủ khác không? Quan trọng hơn, chiến lược của đối thủ có hiệu quả và đem lại thành công hơn những gì công ty của bạn hiện đang làm không?
Tìm hiểu những gì bạn có thể làm từ các chiến dịch của đối thủ cạnh tranh. Bắt chước những cái tốt nhất càng nhiều càng tốt mà vẫn đảm bảo không vi phạm chủ quyền.
Hãy nhớ rằng bạn nên cố gắng hiểu mọi thứ mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm để chốt doanh số. Điều đó có nghĩa là chiến lược trực tuyến, ngoại tuyến và PR của họ.
-
Đặt mục tiêu và tiếp cận đến khách hàng
Một trong những điều đầu tiên bạn nên làm với tư cách là quản lí marketing mới là đặt mục tiêu. Sau đó, bạn nên tiếp cận đến khách hàng.
Điều rất quan trọng là bạn phải đạt được mục tiêu của mình. Điều đó sẽ cung cấp cho bạn một số mức độ uy tín trong tổ chức của riêng bạn.
Để đạt được điều đó, hãy đảm bảo rằng mục tiêu bạn đặt ra là khả thi. Nếu mục tiêu của bạn còn bay bổng trên trời và dễ dàng bỏ lỡ, thì xem như bạn chưa chuyển giao sản phẩm đến với khách hàng.
-
Đưa ra hướng giải quyết trong các tình huống khó xử
Là quản lí marketing, bạn phải cân bằng việc hòa hợp giữa quản lí cấp trên và khách hàng của bạn.
Điều đó đôi khi có thể là thách thức đối với nhà quản lí. Đó là lý do tại sao bạn phải thương lượng cách tiếp cận của riêng bạn với các quản lí cấp cao trong khi quảng bá thương hiệu của công ty ra thị trường là nhắm đến khách hàng.
Học cách giữ cân bằng cho cả hai bên và chắc chắn bạn sẽ sớm thành công.
-
Đọc nhiều sách
Marketing là tư duy nghệ thuật và khoa học. Bạn và nhóm của bạn cần xây dựng những ý tưởng sáng tạo sẽ gây được tiếng vang với khách hàng tiềm năng.
Để đạt được điều đó, bạn phải luôn có ý tưởng mới. Đây là lý do tại sao bạn nên duy trì việc đọc liên tục.
Nghiên cứu các chiến dịch quảng cáo xuất sắc trong các thời đại trước đây. Có điều gì bạn có thể học hỏi để thực hiện trong các chiến dịch của riêng mình không?
Học hỏi từ những nhà tiếp thị vĩ đại của ngày hôm nay và ngày hôm qua. Bạn có thể sẽ tìm thấy cảm hứng cho một số chiến lược của riêng mình.
Nguồn: inc